Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 1

MẸ MARIA ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA GIÊSU TRÊN MỌI NẺO ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

Mô tả các phép lạ, các việc làm vô cùng cao cả của Chúa Kitô trong Lịch Sử Cuộc Đời Mẹ Maria là điều hết sức thích hợp vì Mẹ Maria chia sẻ hầu hết các phép lạ và kỳ công đại cuộc cứu độ nhân loại. Nhưng tác giả không dám mạo muội làm một việc quá sức khó khăn, hết sức xa vời vượt trên khả năng loài người. Vì sau khi kể lại nhiều phép lạ Chúa Kitô đã làm, Thánh Sử Gioan kết thúc Sách Phúc Âm của ngài: “Chúa Giêsu đã làm nhiều việc khác, mà nếu kể lại hết, thì thế giới này không đủ chỗ chứa các sách ghi chép” (Gioan 21:25). Nếu nhiệm vụ như thế hầu như không thể nào thực hiện được đối với Thánh Sử Gioan, thì đối với một phụ nữ dốt nát, vô dụng hơn bụi đất là tác giả lại càng không thể nào làm được. Tất cả những điều cần thiết cho việc thiết lập và duy trì Giáo Hội đều đã được bốn Thánh Sử viết đầy đủ và không cần nhắc lại. Tuy nhiên cần ghi lại một vài trường hợp hết sức đặc biệt trong số rất nhiều việc vĩ đại Mẹ Maria đã làm nhưng chưa được đề cập tới trong Phúc Âm.

Tuy nhiên, để có thứ tự, tác giả phải sơ lược phép lạ đầu tiên Chúa làm tại Cana do lời Đức Hiền Mẫu xin. Sau khi kể lại việc Chúa kêu gọi môn đệ thứ năm là ông Nathanael, Thánh Sử Gioan mở đầu chương hai Sách Phúc Âm: “Vào ngày thứ ba, Thân Mẫu Chúa Giêsu dự tiệc cưới tại Cana xứ Galilea. Chúa Giêsu được mời cùng với các môn đệ” (Gioan 2:1). Đám cưới này của người cháu họ về phía thánh tổ mẫu Anna. Chúa nhận lời mời tham dự tiệc cưới cùng với năm môn đệ. Chúa đến dự tiệc cưới để công nhận và thánh hóa Hôn Nhân, để khởi đầu củng cố giáo huấn của Chúa. Chúa đã xưng mình là Thầy và nhận môn đệ, Chúa muốn củng cố ơn gọi và lòng tin của các ông bằng những phép lạ Chúa sẽ làm công khai.

Thầy hằng sống bước vào nhà có tiệc cưới, chào và chúc mọi người hiện diện: “Chúc mọi người bình an và ánh sáng Thiên Chúa.” Ngay sau đó, Chúa chỉ dạy và khuyến khích chú rể về sự trọn lành thánh thiện cuộc sống hôn nhân. Trong khi đó, Đức Hiền Mẫu dịu dàng nhưng hết sức hùng hồn chỉ dạy, khuyến khích cô dâu về các bổn phận của cô. Sau đó, Chúa Cứu Thế và Đức Hiền Mẫu chuyện trò với mọi người tới dự tiệc, trút đầy trái tim họ sự khôn ngoan và ơn soi sáng. Đức Hiền Mẫu nói rất ít, chỉ khi nào Người được hỏi hoặc hết sức cần thiết. Người luôn lắng nghe, theo dõi mọi việc làm và lời nói của Chúa Cứu Thế. Mẹ ghi nhớ trong trái tim và suy gẫm.

Tại bàn tiệc, Chúa Cứu Thế và Đức Hiền Mẫu dùng rất ít thực phẩm, nhưng mọi người không nhận ra sự tiết chế đặc biệt. Giữa buổi tiệc, rượu hết. Đức Hiền Mẫu nói với Chúa Cứu Thế: “Họ hết rượu rồi.” Chúa đáp: “Thưa Bà, điều đó can hệ gì đến Bà và Con? Giờ của Con chưa tới” (Gioan 2: 3-4). Lời Chúa đáp không chủ ý khước từ, nhưng tiềm ẩn một điều huyền nhiệm, vì Mẹ Maria không xin Chúa làm phép lạ chỉ vì họ hết rượu, nhưng do ánh sáng thần linh, Mẹ biết đã đến thời điểm thích hợp cho việc biểu lộ quyền năng Con Mẹ. Mầu nhiệm tiềm ẩn trong lời Chúa Kitô là củng cố lòng tin nơi các môn đệ vào Thiên Tính của Chúa và cho thấy Chúa là Thiên Chúa thực. Chúa nói: “Thưa Bà, điều đó can gì đến Bà...” cho hiểu: Quyền làm phép lạ của Con không phải từ Mẹ, mặc dầu Mẹ cho Con nhân tính mà qua đó Con làm phép lạ. Chỉ Thiên Tính của Con làm phép lạ và giờ Con làm phép lạ chưa tới. Từ đó Chúa đổ đầy trí khôn các Tông Đồ ánh sáng mới giúp các ngài hiểu sự kết hiệp hai bản tính của Chúa.

Đức Hiền Mẫu hiểu rõ mầu nhiệm này. Mẹ nhã nhặn nói với các người giúp việc: “Ngài bảo gì, các anh hãy làm theo” (Gioan 2:5). Và Chúa đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu hảo hạng như thánh Gioan tường thuật (Gioan 2: 6-11).

Từ Cana, xứ Galilea, Chúa Kitô tới Capharnaum, một thành phố lớn đông dân cư gần biển hồ Tiberias. Theo thánh Gioan (Gioan 2:12), Chúa ở lại ít ngày. Vì gần tới Lễ Vượt Qua, Chúa đi dần đến Jerusalem để mừng lễ vào ngày Mười Bốn trăng tròn tháng Ba. Đức Hiền Mẫu Maria rời khỏi Nazareth, đồng hành với Chúa khắp nẻo đường rao giảng dạy dỗ và tới tận chân Thánh Giá. Mẹ chỉ không ở bên Chúa một vài dịp, chẳng hạn như lần Chúa nói chuyện với người phụ nữ Samaria, hoặc khi Mẹ Maria ở lại phía sau với một vài người để chỉ bảo và dạy họ giáo lý. Nhưng lần nào cũng vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Mẹ Maria trở lại bên Chúa và Thầy của Mẹ, đi theo Mặt Trời Công Chính cho tới khi Mặt Trời đó lặn xuống mồ Kẻ Chết.

Suốt các hành trình này, Mẹ Maria đi chân trần, giống hệt Con cực thánh. Nếu ngay đến Chúa đã từng mỏi mệt vì lặn lội ngược xuôi (Gioan 4:61), thì Mẹ Maria còn mỏi mệt biết chừng nào? Có khó khăn vất vả nào Mẹ Maria lại không chịu đựng trong những hành trình như thế thuộc mọi loại thời tiết! Chỉ những khổ cực Mẹ Maria phải chịu vì những hành trình ngược xuôi này thôi cũng đã quá vĩ đại, nhân loại không thể đền đáp thỏa đáng. Đôi khi Chúa để cho Mẹ chịu những trạng thái suy nhược và đau đớn đến độ Chúa phải làm phép lạ để giảm bớt đau đớn cho Mẹ. Có những lần Chúa muốn Mẹ nghỉ ngơi tại địa điểm dừng chân nào đó vài ngày.

Như đã nói, Mẹ Maria có toàn bộ Tín Lý của Luật Phúc Âm được viết trong trái tim. Dẫu vậy, Mẹ Maria khao khát, chăm chú như một môn đệ mới tới ước mong nghe lời giảng dạy và giáo lý của Con cực thánh. Mẹ yêu cầu các thiên thần tường thuật lại, nếu cần, những lời Thầy chí thánh đã giảng bất cứ khi nào Mẹ không hiện diện bên Chúa. Mẹ Maria luôn luôn quì gối nghe lời Con chí thánh giảng dạy, như thế, bằng hết khả năng, Mẹ cho mọi người thấy lòng tôn kính phụng thờ phải được dành cho Ngôi Vị và Giáo Huấn của Chúa. Nhiều lần Mẹ Maria biết những hoạt động trong linh hồn Chúa Kitô, những lời cầu nguyện liên tục Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu để xin cho việc chuẩn bị thích ứng tâm hồn người nghe giảng, xin cho hạt giống giáo lý mọc lên tới đời sống vĩnh cửu. Mẹ Maria, với lòng yêu mến tột đỉnh, lòng bác ái nồng nàn và chan hòa nước mắt, đã kết hợp với Thầy chí thánh trong lời cầu nguyện và xin mọi hồng ân cho các linh hồn.

Do sự chăm chú tôn kính, Mẹ Maria dạy và làm cho những người khác xúc động đánh giá cách chính đáng lời giảng dạy và giáo huấn của Chúa Cứu Thế. Mẹ Maria cũng biết nội tâm những người nghe Chúa giảng dạy, tình trạng ân sủng họ được, hoặc tội lỗi hoặc các tật xấu và thánh đức nơi họ. Sự hiểu biết đa dạng ẩn nhiệm này, vượt quá khả năng loài người, tạo ra trong lòng Mẹ Maria nhiều hiệu lực kỳ diệu của đức bác ái cao cả và các thánh đức khác. Sự hiểu biết này làm bừng cháy trong Mẹ Maria lòng khao khát mãnh liệt muốn vinh danh Chúa và xin cho thành quả Ơn Cứu Chuộc không bị lãng phí nơi các linh hồn. Việc cấp cứu các linh hồn lâm nguy hư mất vì tội lỗi thúc đẩy Mẹ Maria dâng lên những lời cầu nguyện tha thiết. Mẹ Maria cảm thấy đau buồn ác nghiệt xuyên thấu trái tim vì sợ rằng Thiên Chúa không được mọi thụ tạo nhận biết, thờ lạy và phụng sự. Sự phiền sầu của Mẹ tỉ lệ thuận với sự hiểu biết của Mẹ về tất cả mọi mầu nhiệm này. Đối với những linh hồn không đón nhận hồng ân Chúa và thánh đức, Mẹ buồn rầu khôn tả, và thường nhỏ huyết lệ khi nghĩ đến bất hạnh của họ. Những đau buồn lo âu này và những cực nhọc Mẹ Maria phải chịu vượt xa mọi mức độ đau đớn toàn thể các thánh tử đạo khắp thế giới trải qua.

Mẹ Maria đối xử hết sức khôn ngoan với tất cả những người theo và được nhận vào đoàn môn đệ Chúa. Những người được Mẹ tỏ lòng kính trọng quí mến đặc biệt là các Tông Đồ. Là Mẹ, Mẹ Maria săn sóc tất cả mọi người. Là Nữ Vương quyền thế, Mẹ xin được mọi ơn cần thiết, ơn an ủi và của nuôi thân xác cho mọi người. Đôi khi không còn nguồn tiếp tế nào khác, Mẹ Maria yêu cầu các thiên thần đem đồ tiếp tế đến cho các Tông Đồ và môn đệ nam nữ. Để giúp mọi người thăng tiến trong đời sống tinh thần, Mẹ Maria đã vất vả không phải chỉ bằng lời cầu nguyện liên tục cho mọi người mà còn do gương sáng và những lời chỉ bảo quí báu nữa. Bằng những sự việc đó, Mẹ Maria, Đấng là Hiền Mẫu và Giáo Sư cực khôn ngoan, nuôi dưỡng và củng cố sức mạnh cho mọi người. Khi các Tông Đồ hoặc môn đệ bị bất cứ sự hoài nghi nào xâm chiếm, việc này thường xảy ra vào thời kỳ đầu, hoặc khi các vị đó bị cám dỗ bí mật nào đó tấn công, Mẹ Maria lập tức tiếp sức soi sáng, khuyến khích các ngài bằng ánh sáng và lòng bác ái vô song. Các Tông Đồ và môn đệ được soi sáng nhờ sự khôn ngoan, được uốn nắn nhờ lòng khiêm nhượng, được làm cho trầm tĩnh nhờ sự nhún nhường, được làm cho sung túc nhờ mọi ân sủng tuôn tràn từ Mẹ. Bằng tâm tình tạ ân, Mẹ Maria vui mừng dâng lên Thiên Chúa mọi phúc lộc việc kêu gọi các môn đệ, thành quả ơn cải hoá và kiên trì cho người công chính, và mọi ân sủng vô cùng dư đầy khác.

Một số phụ nữ từ Galilea theo Chúa Cứu Thế trong các hành trình rao giảng. Các Thánh Sử Matthêu, Marcô và Luca kể lại một số bà, đã được Chúa chữa khỏi quỉ ám và những tật bệnh khác, đi theo phục vụ Chúa (Mt 27, Mc 15, Lc 8). Thầy hằng sống không phân biệt tính phái trong việc noi theo, bắt chước và giáo huấn của Ngài. Vì thế một số phụ nữ chăm sóc phục vụ Chúa ngay từ khi Chúa mới khởi đầu hành trình rao giảng. Sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa đã an bài điều đó để chuẩn bị sẵn những người đồng hành thích hợp với Mẹ rất thánh trong các hành trình này và những mục đích huyền nhiệm cao cả khác. Mẹ Maria đặc biệt săn sóc những phụ nữ nhiệt thành thánh thiện này. Mẹ qui tụ các bà, chỉ bảo, dạy giáo lý, hướng dẫn các bà về những lời Con cực thánh Mẹ giảng dạy. Mẹ Maria được soi sáng, được chỉ dẫn hoàn toàn đầy đủ về giáo lý Phúc Âm, Mẹ có thể dạy đường lối cuộc sống đời đời cách trọn hảo, nhưng Mẹ luôn dùng những lời Chúa giảng dạy công khai làm căn bản cho những điều Mẹ chỉ dạy và khuyến đức. Mẹ Maria chỉ bảo những điều này cho các phụ nữ hàng ngày theo Chúa trên đường rao giảng và cho các phụ nữ khác nữa, trước hoặc sau khi họ đã nghe Chúa giảng.

Tất cả những người được Chúa Cứu Thế thâu nhận đều tiếp xúc và đối xử thân mật với Mẹ. Chúa trút vào trái tim họ lòng tôn kính chân thành đặc biệt đối với Mẹ Maria. Tuy nhiên, cho dù lòng kính trọng này được ban chung cho mọi người, ơn đó không đồng đều nơi tất cả các môn đệ; vì Chúa ban phát ơn theo ý Ngài, tùy theo sự sẵn sàng của tâm hồn, tùy chức vụ và trách nhiệm người đó được chỉ định. Nhờ gặp gỡ đối thoại và thường xuyên tiếp xúc với Mẹ Maria, lòng kính yêu thành tâm của các Tông Đồ và Môn Đệ đối với Mẹ mỗi ngày mỗi gia tăng. Mẹ Maria nói với tất cả mọi người, chỉ dạy, giúp đỡ mọi nhu cầu, không bao giờ Mẹ để họ rời khỏi cuộc tiếp xúc đối thoại với Mẹ mà không được đầy ắp niềm vui trong lòng và an ủi lớn lao hơn họ xin. Tuy nhiên mức độ hiệu quả tốt lành từ những lần hàn huyên với Mẹ tùy thuộc vào sự sẵn sàng của trái tim người nhận các đặc ân này.

Mọi người đều được ban ơn khởi đầu tiếp xúc với Mẹ Thiên Chúa bằng lòng thán phục cao độ của họ đối với sự khôn ngoan, thông thái, trinh khiết, thánh thiện, cao cả của Mẹ; được làm cho cảm thấy sự dịu hiền nơi đức khiêm nhượng và vui vẻ khôn tả của Mẹ. Vì chưa tới thời điểm tiết lộ Hòm Bia huyền nhiệm Tân Ước cho nhân loại, nên chính Chúa Giêsu, dù rất ao ước ca tụng Mẹ Maria, đã không biểu lộ việc đó bằng lời mà giữ kín nơi trái tim. Các Tông Đồ cũng thế, đã sung sướng giữ kín lời ca tụng Mẹ trong tim; các ngài hướng những cảm giác nồng cháy trong tình yêu mãnh liệt đối với Mẹ Maria vào việc ca tụng Đấng tạo dựng Mẹ. Do sự hiểu biết vô song, Mẹ biết rõ tình trạng tự nhiên của từng môn đệ, biết rõ mức độ ân sủng của từng người. Mẹ thích nghi hoàn cảnh từng người trong lời Mẹ cầu nguyện, trong lời Mẹ chỉ dạy và nói chuyện với họ; và tùy theo những đặc ân Mẹ xin được cho từng người để hỗ trợ ơn gọi nơi người đó. Lòng hăng say yêu thương tột đỉnh trong cách cư xử của Mẹ Maria hầu thoả mãn trọn vẹn các ước vọng của Chúa như thế đã gợi lên sự thán phục vô bờ bến nơi các thiên thần.

Đặc biệt đáng kể trong việc tiếp nhận các ân sủng huyền nhiệm này là thánh Phêrô và Gioan. Thánh Phêrô được chỉ định làm Đại Diện Chúa Kitô, là Thủ Lãnh Giáo Hội chiến đấu, nên ngài xứng đáng được sự kính trọng và yêu mến đặc biệt của Mẹ Maria. Thánh Gioan thế vị Chúa Giêsu, sau khi Chúa chịu Khổ Hình Cứu Chuộc, săn sóc phụng dưỡng Mẹ Maria còn ở trần thế. Vì thế việc quản trị và coi sóc nhiệm thể Giáo Hội, như về Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, về Giáo Hội chiến đấu hữu hình và các tín hữu trần thế, phải được phân chia giữa hai thánh Tông Đồ này; không lạ gì thánh Phêrô và Gioan được Mẹ Maria dành cho biệt ân. Thánh Gioan, được chọn phụng dưỡng Mẹ Maria và được địa vị dưỡng tử, lập tức được hưởng những ơn thúc đẩy tận tụy phục vụ Mẹ. Mặc dầu tất cả các thánh Tông Đồ đều có lòng tận tụy đối với Mẹ Maria, thánh Gioan thấm nhuần sâu xa hơn vào những mầu nhiệm Thành Thánh Thiên Chúa và được ban ơn soi sáng siêu nhiên vượt trội hơn tất cả các Tông Đồ khác. Thánh Gioan nhận được qua Mẹ Maria tất cả mọi hiểu biết siêu nhiên ngài nói trong Phúc Âm, đặc biệt là tước hiệu đặc biệt “người môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu” vì ngài yêu mến Mẹ Maria. 

Ngoài đức trinh khiết, thánh Gioan còn có những thánh đức khác rất vui lòng Mẹ Maria là tính đơn sơ thật thà, như thấy rõ trong văn từ của ngài; sự tế nhị, khiêm nhượng cao độ, và thánh Gioan hiền lành, thuận thảo nhất. Mẹ Maria luôn coi những người hiền lành khiêm nhượng là những người bắt chước Con chí thánh Mẹ trung thành nhất. Vì thế Mẹ Maria ưu ái thánh Gioan hơn các Tông Đồ khác; và chính thánh Gioan lo lắng phục vụ Mẹ Maria bằng tình yêu thương quyến luyến kính trọng mãi tăng thêm. Ngay từ khởi đầu ơn gọi, thánh Gioan đã vượt hơn các Tông Đồ khác về lòng yêu mến sốt sắng đối với Mẹ Maria và hoàn thành những ước nguyện nhỏ nhặt nhất của Mẹ. Bất cứ khi nào có thể, thánh Gioan tìm đến Mẹ Maria và phụ giúp Mẹ. Đôi khi vị Tông Đồ tốt phước này tranh đua với các thiên thần về lòng hăng say phụng sự giúp đỡ Đức Nữ Vương cao cả. Vị môn đệ yêu dấu này hết sức chuyên cần kể lại cho Mẹ Maria các việc và phép lạ Chúa Cứu Thế đã làm mỗi khi Mẹ không hiện diện bên Chúa, và nói cho Mẹ biết những môn đệ mới trở lại nhờ lời Chúa giảng dạy.

Tuy nhiên cần phải kể đôi điều về những gì tác giả được dạy cho biết về Tông Đồ gian ác Juda Iscariot; vì các việc của y đều liên quan tới lịch sử này và ít được biết về hắn. Người Tông Đồ bất hạnh Juda Iscariot đã đi lạc xa chánh lộ tình yêu Thiên Chúa và những hồng ân của tình yêu đó. Trong đoạn sau đây tác giả sẽ trình bày những điều tác giả được cho biết liên quan đến sự phản bội này. Đây sẽ là lời cảnh cáo dành cho những người ngoan cố, bướng bỉnh, cứng lòng và ít yêu mến Mẹ Maria.

Juda Iscariot được lôi cuốn theo Chúa Kitô, Thầy chí thánh, do những giáo lý tuyệt vời của Chúa. Ngay từ đầu, Juda Iscariot đã được những ơn đặc biệt và tiến vượt một số môn đệ khác, xứng đáng được kể trong số mười hai Tông Đồ. Chúa Cứu Thế yêu thương ông ta theo tình trạng ân sủng linh hồn và những việc làm tốt lành của ông ta lúc đó, y như Chúa đối xử với mọi người khác. Đức Hiền Mẫu Maria cũng đối xử với Juda Iscariot y như thế, mặc dầu, với sự hiểu biết được Chúa soi dẫn, Mẹ lập tức nhận thấy sự phản bội xảo trá do đó sẽ chấm dứt chức Tông Đồ của y. Trong trường hợp này, Mẹ Maria cực độ bác ái đã không từ chối Juda Iscariot lời cầu bầu và tình yêu hiền mẫu. Mẹ hết sức biện minh sự nghiệp Con chí thánh Mẹ chống lại con người bất hạnh bội bạc này. Mẹ Maria biết rõ một tính tình như của Juda Iscariot không thể khắc phục được bằng sự nghiêm khắc vì chỉ có thể bị đưa tới trình trạng bướng bỉnh hơn nữa. Mẹ đã hết lòng lo lắng đến mức không một nhu cầu hoặc phúc lộc nào của Juda Iscariot bị bỏ qua. Mẹ bắt đầu săn sóc chữa trị ông ta; Mẹ nói và lắng nghe ông ta cách dịu dàng yêu thương hơn đối với những người khác. Mẹ Maria thi hành việc này cao độ đến mức có lần khi các môn đệ nói với nhau về vị thế của họ đối với Chúa Cứu Thế và với Mẹ (Lc 22:24) Juda Iscariot đã không bao giờ cho tỏ ra ghen tị hoặc hoài nghi chút nào. Ngay từ buổi đầu Mẹ Maria đã đặc biệt chiếu cố ông ta bằng những dấu của tình yêu thương đặc biệt và lúc đó chính Juda Iscariot cũng tỏ ra biết ơn về những đặc ân này.

Nhưng khi Juda Iscariot để cho khuynh hướng tự nhiên hoạt động (các môn đệ khi chưa được củng cố về thánh đức và ân sủng đều mắc phải một số lỗi lầm của loài người), con người thiếu khôn ngoan thận trọng đó bắt đầu tự phụ về sự trọn lành cá nhân và để ý đến lỗi lầm nơi anh em hơn của chính mình (Lc 4:41). Chính ông ta tự để mình bị lừa dối, không cố gắng sửa chữa hoặc ăn năn, để cho cái xà trong mắt mình lớn dần lên mãi trong khi để ý tìm kiếm cọng rác trong mắt người khác. Trong khi kêu ca những lỗi lầm nhỏ mọn của anh em khác và với lòng tự phụ hơn là thiện chí sửa chữa người khác, chính Juda Iscariot phạm những lỗi lầm lớn hơn. Trong số các Tông Đồ, ông ta tách riêng thánh Gioan ra, coi thánh Gioan là người hay xía vào chuyện người khác; ông ta kết tội thánh Gioan lập công với Thầy và Mẹ Maria. Thực ra Juda Iscariot đã nhận được rất nhiều đặc ân của Chúa Giêsu và Mẹ Maria mà không đem lại kết quả gì trong việc ngăn cản hắn khỏi kiêu căng. Tuy vậy tới nay Juda Iscariot chỉ mới phạm những lỗi nhẹ và chưa mất ơn thánh hoá. Nhưng các lỗi đó chứng tỏ tình trạng hết sức tồi tệ mà y nhất quyết theo đuổi. Từ đó hắn nuôi dưỡng một số điều tự mãn phù phiếm trong lòng. Lập tức điều này tạo ra một số đố kỵ nghi ngờ, dẫn tới tinh thần vu khống và tàn nhẫn trong việc bắt lỗi anh em. Những lỗi lầm này mở đường cho những lầm lỗi trầm trọng hơn. Lòng sốt sắng tận hiến nơi Juda Iscariot suy giảm, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và người ta trở nên nguội lạnh, ánh sáng soi trong lòng hắn bị mất dần rồi tắt hẳn. Juda Isacariot bắt đầu nhìn các Tông Đồ và Mẹ Maria với lòng chán ghét, ít hài lòng trong việc giao tiếp với Mẹ và các Tông Đồ.

Mẹ Maria nhìn thấy sự phản bội gia tăng trong lòng Juda Iscariot. Mẹ tha thiết tìm kiếm việc phục hồi và ơn cứu độ cho y trước khi y gieo mình hoàn toàn vào sự chết của tội lỗi. Với sự dịu dàng và sức mạnh lý luận, Mẹ nói và khuyến khích hắn như đứa con yêu dấu. Mặc dầu đôi khi trận bão tư tưởng xoáy lốc trong lòng Juda Iscariot được làm cho dịu đi, nhưng chỉ được thời gian ngắn, rồi cơn giông tố lại khơi dậy khiến y đảo điên. Y mở đường cho ma quỉ vào trái tim. Y để mình bị chiếm hữu bởi sự giận dữ sôi sục chống lại Mẹ Maria. Với sự giả hình xảo trá, hắn tìm cách chối hoặc làm nhẹ các lỗi lầm bằng cách viện dẫn những lý do khác để bào chữa hạnh kiểm, che giấu những bí ẩn trong tim, làm như thể hắn có thể lừa dối được Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Hắn mất lòng tôn kính bề trong đối với Mẹ Maria từ bi, ghét những lời khuyên bảo, và công khai chỉ trích những lời nói và lý luận dịu dàng của Mẹ. Lòng quá tự phụ bội bạc này làm cho y xa khỏi tình trạng ân sủng. Chúa hết sức buồn và để mặc hắn với những ý định ác độc của hắn. Việc Juda Iscariot chán ghét Mẹ Maria đã sớm phát sinh trong lòng ghét cay ghét đắng đối với Thầy chí thánh. Càng ngày Juda Iscariot càng bất mãn với những giáo huấn của Chúa, bắt đầu coi đời sống Tông Đồ và tiếp xúc với các môn đệ là quá sức nặng nề.

Dẫu vậy Chúa nhân từ không bỏ Juda Iscariot ngay, mà vẫn tiếp tục ban cho hắn ơn giúp đỡ trong lòng, mặc dầu nếu so với những ơn trước kia thì những ơn mới này chỉ là những ơn thông thường hơn. Tuy nhiên, chỉ những ơn đó cũng dư đủ cho việc cứu rỗi y, nếu y chịu sử dụng. Thêm vào với các ơn này là những lời của Vị Nữ Giáo Sư cực độ hiền từ khuyên nài hắn tự chế và hạ mình xin Thầy chí thánh tha thứ. Mẹ Maria đã cho Juda Iscariot lòng thương xót nhân danh Chúa Giêsu và sự giúp đỡ nhân từ của Mẹ để đạt được ơn tha thứ, hứa làm việc đền tội thay cho hắn, nếu hắn bằng lòng ăn năn hối lỗi, sửa lại đời sống. Mẹ Maria đã làm hết mọi việc này để ngăn cản sự sa ngã của Juda Iscariot. Mẹ Maria biết rõ nếu người ta không tìm cách chỗi dậy từ một lần sa ngã mà cứ lì lợm trong tội là điều ác độc lớn lao hơn việc sa ngã nhiều. Lương tâm người môn đệ kiêu căng này chẳng những đã không trách mắng hắn vì sự ác độc của mình, mà còn làm cho trái tim hắn trở nên chai đá. Hắn bắt đầu khinh ghét sự khiêm tốn, mà nhân đức này đáng lẽ ra phải là điểm tốt cho hắn. Vì kiêu căng, hắn khước từ các lời khuyên tốt lành của Mẹ Chúa Kitô và thích chọn việc chối lỗi, chống chế bằng miệng lưỡi ngụy biện dối trá rằng hắn yêu mến Thầy và những người khác, không có gì để phải sửa đổi cách cư xử về phương diện này.

Để không phải chịu lỗi vì che giấu những gì thuộc chương này, tác giả xin nêu ra thêm lý do khác nữa của việc Juda Iscariot sa ngã. Khi số lượng Tông Đồ và môn đệ gia tăng, Chúa Giêsu muốn một trong các Tông Đồ và môn đệ phụ trách các của bố thí nhận được để cung cấp nhu cầu chung và đóng thuế cho hoàng đế. Chúa Giêsu cho mọi người biết việc này, nhưng không phân biệt ai mà cũng không nhắm hẳn vào ai. Trong khi mọi người sợ tìm cách tránh khỏi chức vụ đó, Juda Iscariot cố gắng giành cho được. Để giành được việc chỉ định hắn vào chức vụ quản lý, hắn tự hạ tới mức yêu cầu thánh Gioan xin Mẹ Maria dàn xếp việc này với Chúa Giêsu cho hắn. Thánh Gioan nhận lời xin với Mẹ Maria, nhưng Mẹ không muốn đề nghị điều đó với Chúa, vì biết lời Juda Iscariot yêu cầu phát xuất từ tham vọng không chính đáng. Cùng cách như thế hắn nhờ thánh Phêrô và các Tông Đồ khác, nhưng không thành công. Vì nhân từ, Chúa muốn ngăn chận sự tự hủy diệt của hắn, và nếu Chúa ban cho điều hắn xin, Chúa biện hộ cho trường hợp của hắn trước loài người. Trước sự đề kháng này, trái tim Juda Iscariot đã bị sụp đổ vì tham lam, thay vì âm thầm qui phục, hắn bị thiêu đốt vì những ước muốn giành chức quản lý mà không thoả mãn. Vì thế tội lỗi càng nặng nề hơn nơi Juda Iscariot, người đã từng là môn đệ trong trường hợp trọn lành nhất, đã từng sống trong ánh sáng Mặt Trời công chính là Chúa Cứu Thế và Mặt Trăng xinh đẹp là Mẹ Maria! Vì hắn chạy trốn khỏi ánh sáng, tự ý gieo mình vào bóng tối, hắn đánh bạo xin Mẹ Maria trực tiếp dùng ảnh hưởng giành cho hắn chức quản lý. Hắn đã mất hết sợ hãi, ngụy trang lòng tham lam dưới tấm áo nhân đức. Đến với Mẹ Maria, hắn nói hắn đã đưa ra lời yêu cầu qua thánh Phêrô và thánh Gioan, với ước nguyện duy nhất là chuyên cần phục vụ Mẹ và Thầy chí thánh, vì không ai gánh vác những trách nhiệm đó với lòng lo lắng ân cần đúng mức, nên bây giờ hắn xin Mẹ Maria xin Thầy chí thánh giao chức quản lý cho hắn.

Mẹ Maria hết sức nhẹ nhàng trả lời Juda Iscariot: “Con hết sức yêu quí của Mẹ, con hãy suy nghĩ kỹ điều con xin, xem xét những ý định của con có ngay thẳng không. Con hãy đắn đo kỹ lưỡng, liệu có tốt cho con khi tìm kiếm điều mà tất cả các anh em con đều sợ và từ chối trừ phi họ bị bắt buộc do lệnh của Thầy chí thánh. Thầy chí thánh yêu thương con hơn con yêu chính con và nhất định Thầy biết điều gì có ích cho con. Con hãy tự nguyện vâng theo thánh ý Chúa. Con hãy thay đổi mục đích; tìm làm phong phú thêm lòng khiêm nhượng và khó nghèo. Con hãy chỗi dậy từ chỗ con vấp ngã, Mẹ sẵn sàng giúp con, Con Mẹ sẵn sàng cho con thấy lòng thương xót yêu thương vô cùng của Ngài.” Nhưng trái tim sôi sục ham muốn và chai đá của Juda Iscariot đã không mềm ra, cũng không cảm động chút nào. Trái lại, Juda Iscariot tức giận Mẹ Maria; hắn cho rằng hắn bị xúc phạm vì Mẹ đã cho hắn phương tiện thoát khỏi nguy cơ khủng khiếp. Cuồng vọng và lòng tham không đáy đã khiến y tăng thêm lòng giận dữ đối với Mẹ Maria; y cho rằng Mẹ là trở ngại cản trở các mục tiêu của y, coi lời khuyên tốt lành của Mẹ Maria là lời sỉ nhục.

Sau khi nói chuyện với Mẹ Maria, lòng tham lam của Juda Iscariot không để cho hắn nghỉ. Hắn gạt bỏ lòng khiêm tốn, sự xấu hổ tự nhiên và tàn lửa nhỏ nhoi nhất của đức tin, hắn nhất định trực tiếp xin điều đó với Chúa Cứu Thế. Tự khoác cho mình bộ mặt đạo đức giả điêu luyện trong lớp con chiên hiền lành, hắn nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi muốn chu toàn những điều Thầy muốn và phục vụ Thầy với tư cách quản lý phân phát các của bố thí chúng ta nhận được. Tôi sẽ để ý tới phúc lợi người nghèo, chu toàn giáo lý của Thầy. Chúng ta sẽ làm cho người khác những điều chúng ta muốn người khác làm cho chúng ta. Tôi sẽ trông coi việc phân phát các của bố thí theo ý Thầy cách hữu ích hơn và trật tự hơn từ trước tới nay.” Lời lẽ mà tên giả hình liều lĩnh dùng đã gây ra nhiều tội ghê gớm trong cùng một hành động. Trước hết hắn nói dối, che giấu ý định thực. Kế đến, vì tham vọng được vinh dự mà hắn không xứng đáng, hắn không muốn xuất hiện trong ánh sáng thực của hắn, hắn cũng không muốn ở trong sự thực mà hắn chỉ làm bộ. Hắn đổ lỗi cho anh em, triệt hạ họ xuống và tự đề cao: việc làm thường tình của những kẻ tham vọng. Điều cần đặc biệt chú ý nơi thái độ Juda Iscariot là hắn cho thấy tình trạng mất đức tin đã được in trong linh hồn hắn; vì qua lớp áo giả hình hắn muốn lừa dối Chúa Kitô, Thầy hằng sống. Nếu hắn xác tín Chúa Kitô là Thiên Chúa thực và người thực, là Đấng biết hết các điều ẩn kín trong lòng mọi người, hắn đã chẳng nghĩ có thể lừa dối Chúa, hắn cũng không thể nào dám liều lĩnh chơi trò hai mặt như thế.

Chúng ta trở lại với câu trả lời Thầy chí thánh cho Juda Iscariot khi hắn xin Chúa cho hắn chức quản lý. Chúng ta thấy bí nhiệm và kinh khủng chừng nào các phán quyết của Đấng Tối Cao. Chúa Cứu Thế muốn gỡ cho Juda Iscariot khỏi nguy hiểm trầm luân đời đời, mà nguy hiểm này nằm sau lời yêu cầu của người Tông Đồ tham lam. Để Juda Iscariot không thể tự bào chữa là vì ngu dốt, Chúa trả lời hắn: “Juda Iscariot, anh có biết điều anh kiếm tìm và điều anh xin không? Anh đừng quá ác độc đối với chính anh khi khẩn khoản tìm kiếm để giành được thuốc độc và những vũ khí có thể làm cho anh chết.” Juda Iscariot đáp lời: “Thưa Thầy tôi ước ao phục vụ Thầy bằng việc tận lực phục vụ các người trung thành theo Thầy, mà tôi có thể hoàn tất tốt hơn bất cứ công tác nào khác. Tôi hứa chu toàn mọi trách nhiệm chức vụ này không thiếu sót.” Lòng tự phụ liều lĩnh này của Juda Iscariot trong việc tìm kiếm và thèm muốn sự nguy hiểm chứng minh là đúng nguyên do Chúa để cho hắn đi vào hủy diệt trong điều nguy hiểm hắn tìm kiếm ước ao. Nó chống lại ánh sáng (Kn 15:17), ngoan cố chống lại ánh sáng. Nước và lửa, sống và chết đã được chỉ rõ cho hắn, hắn đã đưa tay ra chọn lấy trầm luân đời đời.

LỜI MẸ MARIA

 

Con của Mẹ, tất cả những điều con viết trong chương này là lời cảnh cáo quan trọng nhất đối với những người sống theo xác thịt, trong sự nguy hiểm mất hạnh phúc đời đời. Cần phải dạy họ tìm kiếm lời cầu bầu nhân từ và mạnh thế nhất của Mẹ, dạy họ biết sợ những phán xét của Đấng Tối Cao. Điều này chứa đựng những phương tiện cứu độ có hiệu lực và đáng được Thiên Chúa thưởng. Mẹ muốn lần nữa nhắc con nhớ một trong những bí mật được tiết lộ cho thánh Gioan trong buổi Tiệc Ly là điều này. Thánh Gioan đã trở nên môn đệ yêu dấu Chúa Kitô vì ngài yêu mến Mẹ. Juda Iscariot sa ngã vì y khinh ghét lòng thương xót nhân từ Mẹ đã biểu lộ cho y. Đồng thời Thánh Sử cũng hiểu các mầu nhiệm vĩ đại khác được truyền thông và thực hiện trong Mẹ. Mẹ phải tham dự khổ cực đau đớn của Khổ Hình mà Chúa đặc biệt trao cho Mẹ. Con hết sức yêu dấu của Mẹ, sự tinh tuyền Mẹ đòi hỏi ở con phải lớn lao hơn sự tinh tuyền nơi các thiên thần. Nếu con cố gắng theo đuổi sự tinh tuyền đó con sẽ trở nên con yêu dấu nhất của Mẹ, như thánh Gioan, là bạn yêu dấu nhất và sủng ái nhất của Con và Chúa của Mẹ. Gương sáng thánh Gioan phải luôn luôn là điều khích lệ con, sự hủy diệt của Juda Iscariot phải luôn được coi như lời cảnh cáo cho con: chỉ tìm kiếm tình yêu thương của Mẹ và thành thực biết ơn về tình thương yêu được ban cho con mà con không xứng đáng công gì.